Lịch sử Bảo_tàng_Orsay

Địa điểm

Cung điện Orsay

Vị trí của bảo tàng Orsay vốn là phố Lille, trục chính khu vườn cũ của hoàng hậu Marguerite de Valois. Sau khi hoàng hậu mất vào năm 1615, khu đất được chia lô và nhiều dinh thự quý tộc được xây dựng dọc theo bờ sông Seine, gần bến cảng mang tên Grenouillière. Kè sông Orsay, bắt đầu từ năm 1708 và hoàn thành dưới thời Đệ nhất Đế chế Pháp. Từ năm 1782 tới năm 1788, dinh thự Salm, ngày nay là điện Bắc đẩu bội tinh, được xây dựng.[2]

Thế kỷ 19, trên vị trí nhà ga Orsay sau này là hai công trình: doanh trại kỵ binh và cung điện Orsay - công trình được xây trong khoảng năm 1810 tới năm 1838 bởi các kiến trúc sư Jean-Charles Bonnard và Jacques Lacornée. Cung điện Orsay từng là trụ sở của Bộ Ngoại giao, Tòa án rồi Hội đồng nhà nước. Vào thời Công xã Paris, khu phố này bị thiêu trụi. Trong vòng 30 năm sau đó, các bức tường cháy đen của cung điện Orsay là dấu tích của cuộc nội chiến.[2]

Nhà ga Orsay

Trước Triển lãm thế giới 1900, Nhà nước nhượng lại khu vực này cho Công ty Đường sắt Orléans, dành cho dự án xây dựng nhà ga mới trong trung tâm thành phố. Năm 1897, công ty Đường sắt bắt đầu xem xét đề án xây dựng ga Orsay giữa khu phố sang trọng. Đến năm 1898, kiến trúc sư được chọn là Victor Laloux.[3]

Nhà ga và khách sạn đã được khánh thành vào 14 tháng 7 năm 1900, dịp Triển lãm thế giới. Phía bên ngoài, Victor Laloux che giấu kết cấu thép bằng một lớp trang trí đá theo phong cách chiết trung. Bên trong, Orsay là một nhà ga hiện đại, được trang bị cầu thang máy, các băng chuyển hành lý, với 16 đường ray ngầm, các dịch vụ tiếp đón trên tầng trệt. Đại sảnh của nhà ga cao 32 mét, rộng 40 mét dọc theo ke tàu.[3]

Từ năm 1900 tới năm 1939, nhà ga Orsay giữ vai trò ga cuối của tuyến đường sắt Tây Nam nước Pháp. Khách sạn Orsay không chỉ đón tiếp các du khách mà còn dành cho trụ sở các tổ chức, đảng phái chính trị, nơi tổ chức nhiều tiệc chiêu đãi. Nhưng từ năm 1939, ga Orsay chỉ còn phục vụ cho các tuyến ra ngoại ô. Cơ sở nhà ga không còn phù hợp khi các đoàn tàu dần được điện khí hóa. Nhà ga sau đó được sử dụng làm trung tâm gửi hành lý các tù nhân trong chiến tranh, rồi trở thành trung tâm tiếp đón tù nhân sau giải phóng. Tới ngày 1 tháng 1 năm 1973, khách sạn Orsay đóng cửa.[3]

Bảo tàng

Năm 1973, ban giáo đốc các bảo tàng nước Pháp bắt đầu xem xét việc tu sửa lại nhà ga cho một bảo tàng mới về nghệ thuật châu Âu từ nửa cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20. Tới ngày 20 tháng 10 năm 1973, Tổng thống Valéry Giscard d'Estaing ký quyết định chính thức thành lập bảo tàng Orsay. Năm 1978, cơ quan bảo tàng Orsay được thành lập và công ty xây dựng Bouygues bắt đầu công việc tu sửa công trình cho chức năng mới.[4] Ngày 1 tháng 12 năm 1986, Tổng thống François Mitterrand khánh thành bảo tàng và tới ngày 9 tháng 12, Orsay bắt đầu mở cửa cho công chúng.[5]

Bảo tàng nhìn từ sông SeineBảo tàng nhìn từ sông Seine

Kiến trúc

Tòa nhà bảo tàng
Chiều dài188m
Chiều rộng75 m
Diện tích sử dụng57.400 m²
Số liệu chi tiết

Tòa nhà
Dài: 188 m
Rộng: 75 m
Kết cấu thép: 12.000 tấn
Kính: 35.000 m²
Sảnh chính
Dài: 138 m
Rộng: 40 m
Cao: 32 m
Trần: 1600 bức trang trí hoa hồng

Bảo tàng
Diện tích sử dụng: 57.400 m²
Diện tích trưng bày: 16.853 m²
Diện tích triển lãm: 1.837 m²
Nhà hàng, cà phê: 1.200 m²
Phòng nghe nhìn: 570 m², 347 chỗ

Bảo tàng Orsay nằm bên bờ sông Seine, thuộc Quận 7, không xa các công trình quan trọng khác như Palais Bourbon, điện Invalides, Louvre... Tòa nhà bảo tàng dài 188 mét nằm dọc theo sông, chiều rộng 75 mét. Vẫn mang dáng dấp của nhà ga đường sắt, mặt ngoài và sảnh chính của bảo tảng Orsay được trang trí các đồng hồ lớn.

Vào năm 1900, họa sĩ Edouard Detaille từng viết: "Nhà ga này thật tuyệt vời và có không khí của một cung mỹ thuật" (La gare est superbe, elle a l’air d’un palais des Beaux-Arts).[6] Năm 1979, khi quyết định sửa nhà ga thành bảo tàng, đã có sáu thiết kế được xem xét. Cuối cùng, bản thiết kế được chọn là của nhóm kiến trúc sư ACT-Architecture. Các kiến trúc sư Renaud Bardon, Pierre Colboc và Jean-Paul Philippon đã tôn trọng kiến trúc cũ của Victor Laloux, làm nổi bật gian giữa như một trục chính và sử dụng mái che lợp kính.[7]

Các phòng trưng bày của bảo tàng Orsay nằm trên ba tầng. Tầng trệt gồm sảnh lớn ở giữa và các phòng hai bên. Tầng thứ hai, hành lang chạy vòng, một phía cho phép nhìn xuống sảnh, phía còn lại là lối vào các phòng trưng bày. Tầng trên cùng, các phòng trưng bày nằm dọc bên phía sông Seine và phía phố Légion d'Honneur. Ngoài ra, bảo tàng Orsay còn có các không gian dành cho nhà hàng, quán cà phê, hiệu sách và phòng nghe nhìn.[8]

Tổ chức hành chính và các hoạt động

Về mặt hành chính, kể từ 1 tháng 1 năm 2004, bảo tàng Orsay là một cơ quan hành chính công cộng, quản lý cả bảo tàng Hébert ở số 85, phố Cherche-Midi, Quận 6. Bên cạnh chức năng bảo tàng, Orsay còn thường xuyên tổ chức các cuộc triển lãm, tại bảo tàng và đôi khi ở địa điểm khác. Đầu năm 2008, Orsay tổ chức tại KyotoTokyo cuộc triển lãm về Pierre-Auguste Renoir và con trai, Jean Renoir. Ngoài ra, Orsay còn có các cuộc hội thảo, gặp gỡ cũng như những hoạt động nghiên cứu về nghệ thuật.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bảo_tàng_Orsay http://www.bouygues.com/us/groupe/fiches/pop_musee... http://www.insecula.com/musee/M0048.html/ http://www.parisinfo.com/uploads/d1//0706_tp_table... http://www.theartnewspaper.com/attfig/AttFig07.pdf http://www.culture.gouv.fr/culture/actualites/conf... http://www.ina.fr/archivespourtous/index.php?vue=d... http://www.musee-orsay.fr http://www.musee-orsay.fr/en/ http://www.musee-orsay.fr/fr/collections/catalogue... http://www.musee-orsay.fr/fr/collections/histoire-...